VIÊM BÀNG QUANG NỮ
Tìm hiểu chung|Triệu chứng|Nguyên nhân|Chẩn đoán và điều trị|Phòng ngừa
Viêm bàng quang nữ là bệnh thường gặp ở nữ giới. Theo thống kê, 30 – 50% phụ nữ sẽ bị viêm bàng quang ít nhất một lần trong đời và khoảng ⅕ trong số đó có tái phát trở lại. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu trên đường tiết niệu và khiến chất lượng sống của chị em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu hiểu rõ về căn bệnh này cũng như những thông tin xoay quanh việc điều trị, tin rằng bạn sẽ chủ động hơn để phát hiện viêm bàng quang nữ từ sớm và giải quyết dứt điểm.
Tìm hiểu chung
Viêm bàng quang nữ là gì?
Viêm bàng quang ở phụ nữ là loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất, được mô tả bởi tình trạng viêm nhiễm của túi lưu trữ nước tiểu (bàng quang).
Điều này thường xảy ra do vi khuẩn từ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài) di chuyển vào bên trong bàng quang. Tại đây, chúng có thể sinh sôi và phát triển một cách nhanh chóng gây ra sự kích ứng niêm mạc bàng quang, làm xuất hiện hàng loạt các triệu chứng viêm bàng quang ở nữ giới.
Viêm bàng quang nữ có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ thường cao hơn trong các trường hợp:
- Đang trong thời kỳ mang thai.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Sử dụng màng tránh thai có chất diệt tinh trùng.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Sau thời kỳ mãn kinh.
- Viêm teo âm đạo gây ảnh hưởng đến việc làm rỗng bàng quang.
- Hệ miễn dịch hoạt động yếu (do bệnh HIV, xạ trị, hóa trị,…)
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang ở nữ giới?
Dấu hiệu viêm bàng quang ở nữ giới rất dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện do bệnh lý khác gây ra. Vì vậy, để xác định đúng tình trạng và có hướng điều trị phù hợp, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân bị viêm bàng quang hoặc khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Có nhu cầu đi tiểu gấp.
- Cảm giác bàng quang vẫn đầy sau khi đi tiểu.
- Tần suất đi tiểu thường xuyên, nhưng chỉ đi một lượng nhỏ.
- Đau nhói, nóng rát hoặc châm chích khi đi tiểu.
- Đau trong bàng quang, khó chịu ở lưng hoặc bụng dưới ngay trên xương mu.
- Nước tiểu sẫm màu, đục hoặc có mùi nặng.
- Cảm thấy không khỏe, mệt mỏi hoặc sốt.
Ngoài các dấu hiệu kể trên, một số trường hợp viêm bàng quang xuất huyết ở nữ còn tìm thấy vết máu trong nước tiểu. Đôi khi, viêm bàng quang nữ có thể không làm xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, hãy thận trọng và đi khám ngay nếu bị sốt cao, đau quanh lưng, tiểu ra máu hoặc bạn đã tái phát viêm bàng quang 3 lần trong một năm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm bàng quang ở nữ giới là gì?
Thống kê cho thấy, nữ giới bị viêm bàng quang thường xuyên hơn nam giới bởi vì ống niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn, không đủ khả năng hình thành rào cản hiệu quả để ngăn chặn vi khuẩn. Đồng thời, khoảng cách giữa niệu đạo, âm đạo và lỗ hậu môn gần nhau chính là điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn dễ dàng lây lan.
Vi khuẩn gây viêm bàng quang nữ thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli), khoảng 95% các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu có liên quan đến chúng. Ngoài ra, một số tác nhân gây bệnh khác có thể là: Proteus, Klebsiella, Enterococcus, Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) và các liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus Group B).
Nguyên nhân khiến vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào niệu đạo dẫn đến nhiễm trùng và viêm bàng quang ở phụ nữ có thể do các vấn đề sau:
- Bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn do quá trình mang thai, thói quen nhịn tiểu hoặc một số tình trạng khác.
- Tổn thương hoặc kích ứng xung quanh niệu đạo: do quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với hóa chất (tắm bồn xà phòng, các sản phẩm vệ sinh phụ nữ,…)
- Vi khuẩn từ hậu môn di chuyển đến niệu đạo trong khi quan hệ tình dục, hoặc do lau chùi từ sau ra trước mỗi khi đi đại tiện, hoặc sử dụng tampon.
- Sử dụng kháng sinh liều cao kéo dài làm mất cân bằng hệ vi sinh của cơ thể.
- Đặt ống thông tiểu bên trong bàng quang.
- Biến chứng của các bệnh lý khác như đái tháo đường, viêm teo âm đạo,…
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm bàng quang nữ?
Bên cạnh việc thăm khám và ghi nhận các triệu chứng mà chị em gặp phải, một số xét nghiệm trên mẫu nước tiểu có thể được chỉ định để cung cấp đầy đủ thông tin cho chẩn đoán:
- Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu với mục đích tìm vi khuẩn, vết máu hoặc phát hiện sự bất thường.
- Siêu âm bàng quang.
- Xét nghiệm hình ảnh (chụp CT).
- Nội soi bàng quang.
Những phương pháp điều trị viêm bàng quang ở phụ nữ
Bạn có thể không cần đến các phương pháp điều trị trong trường hợp viêm bàng quang nhẹ, triệu chứng rất ít và không khiến bạn cảm thấy khó chịu. Tình trạng này thường tự khỏi trong vòng vài ngày do hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động để loại bỏ nhiễm trùng. Điều cần làm là nên uống nhiều nước và tránh quan hệ tình dục cho đến khi các dấu hiệu viêm bàng quang ở nữ giới chấm dứt hẳn.
Nếu triệu chứng nghiêm trọng, điều trị với một đợt kháng sinh ngắn hạn (5 – 7 ngày) là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Các triệu chứng thường biến mất sau khi bắt đầu điều trị vài ngày hoặc lâu hơn tùy vào khả năng đáp ứng của cơ thể. Thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen cũng được khuyến cáo sử dụng để giảm đau cho bệnh nhân.
Lưu ý: bạn nên tái khám nếu đã dùng hết kháng sinh mà tình trạng viêm bàng quang không được cải thiện, hoặc bệnh tái phát lại trong vòng hai tuần sau khi kết thúc đợt điều trị. Nếu bạn đang mang thai hoặc mắc một số bệnh lý khác, việc điều trị bằng thuốc kháng sinh là cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm bàng quang nữ?
Một số biện pháp đơn giản dưới đây có thể hữu ích trong việc giảm bớt nguy cơ viêm bàng quang cấp ở nữ giới và ngăn chặn các đợt tái phát:
- Sau khi quan hệ tình dục, hãy làm rỗng bàng quang càng sớm càng tốt bằng cách đi tiểu để loại bỏ vi khuẩn không mong muốn.
- Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài.
- Luôn lau từ phía trước ra sau (niệu đạo đến hậu môn), không nên lau ngược lại để hạn chế lây lan vi khuẩn từ hậu môn.
- Tránh sử dụng sữa tắm, xà phòng hoặc các sản phẩm có mùi thơm trên vùng sinh dục.
- Nên tắm dưới vòi sen thay vì bồn tắm để giảm bớt khả năng tiếp xúc với hóa chất có trong các sản phẩm tẩy rửa.
- Đi tiểu thường xuyên và tuyệt đối không nên nhịn tiểu, việc trì hoãn có thể khiến bàng quang dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn và cần phải loại bỏ chúng trước khi giao hợp âm đạo.
- Hạn chế mặc quần jean và quần bó, đồng thời nên dùng đồ lót cotton thay vì chất liệu tổng hợp như nylon.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đừng quên uống đủ nước và tránh uống nhiều bia rượu.
Mặc dù hầu hết người bị viêm bàng quang nữ sẽ không gặp phải bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào, nhưng vẫn có 1/5 số họ tái phát. Chưa kể nhiễm trùng có thể lan tới thận nếu không được điều trị, gây nhiễm trùng thận sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Vì vậy, đừng bao giờ chủ quan trước tình trạng này mà nên thăm khám và điều trị đúng phác đồ của bác sĩ ngay từ những triệu chứng đầu tiên.
Các bài viết của Pylora chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Cystitis. https://sh24.org.uk/sexual-health/stis/cystitis-female. Ngày truy cập 18/11/2021
Cystitis in Women. https://patient.info/womens-health/lower-urinary-tract-symptoms-in-women-luts/cystitis-in-women. Ngày truy cập 18/11/2021
Cystitis in women (patient fact sheet). https://www.bettersafercare.vic.gov.au/clinical-guidance/emergency/cystitis-in-women. Ngày truy cập 18/11/2021
Bacterial cystitis in women. https://www.racgp.org.au/afp/2010/may/bacterial-cystitis-in-women. Ngày truy cập 18/11/2021
Bacterial cystitis in women https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20485716/ Ngày truy cập 22/11/2021
Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm PYLORA
Địa chỉ : Số 22, Đường 34, Phường An Phú, Quận 2, TPHCM
Hotline: 0909 400 649
Email : info@PyLoRa.com
>>XEM THÊM: Giải Pháp Đẩy Lùi Bệnh Viêm Tiết Niệu Với Bộ Đôi Dược Thảo PyLoGy Từ Mỹ
Nguồn: PyLoGy.org
Bài viết liên quan
Lộn bàng quang
Chia sẻLộn bàng quang Tìm hiểu chung Lộn bàng quang là gì? Lộn bàng quang [...]
Th12
Bật mí 5 nguyên nhân làm nước tiểu sẫm màu không phải ai cũng biết!
Chia sẻ Nhiều người cho rằng nước tiểu sẫm màu chỉ là một trong những [...]
Th12
Phẫu thuật tạo hình bàng quang
Chia sẻPhẫu thuật tạo hình bàng quang Tìm hiểu chung Phẫu thuật tạo hình bàng [...]
Th12